Khoảng hơn 6h30 sáng một ngày gần đây, bác sĩ gây mê Henry Nikicicz đã hoàn thành đặt nội khí quản cho một bệnh nhân ngoài 70 tuổi, bị viêm đường hô hấp cấp. Henry không ngờ ông còn gặp rắc rối ngay sau đó.
Vừa ra khỏi phòng điều trị, ông xuống thang máy và nhìn thấy một nhóm người đi về phía mình. Vị bác sĩ lập tức đeo lại khẩu trang N95, vì muốn bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Bác sĩ Henry Nikicicz (Ảnh: NY Times)
Vài ngày sau, bác sĩ Henry được thông báo ông có thể mất việc vì đã vi phạm chính sách của cơ quan. Cụ thể, bệnh viện Đại học Y ở El Paso (Texas) cấm đeo khẩu trang bên ngoài hành lang. Bác sĩ Henry phản đối: "Đeo khẩu trang là điều cần thiết đối với tôi" . Ông đã ngoài 60 tuổi, mắc các bệnh nền như hen suyễn và cao huyết áp. Do không chịu "hối lỗi", bác sĩ Henry bị đình chỉ công việc và không được trả lương.
Nhập nhằng chuyện đeo khẩu trang ở bệnh viện Mỹ
Trong lúc virus corona cùng nỗi sợ hãi đang lây lan trên toàn thế giới, hệ thống y tế Mỹ cũng đang chứng kiến sự căng thẳng gia tăng giữa y bác sĩ với ban quản trị bệnh viện. Nỗi sợ càng có căn cứ khi nhiều y bác sĩ đã qua đời ở Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha vì nhiễm Covid-19. Ngay tại tâm dịch New York của Mỹ, hơn 200 nhân viên y tế cũng mắc bệnh.
Tuy nhiên, giữa y bác sĩ với ban quản trị bệnh viện còn mải tranh cãi kịch liệt về những vấn đề như: Liệu có nên đeo khẩu trang bên ngoài phòng mổ? Nên đeo N95 hay loại khẩu trang mỏng hơn? Những câu hỏi này vẫn chưa có một lời đáp chắc chắn.
Nhiều bệnh viện Mỹ cho rằng việc đeo khẩu trang thường xuyên là không cần thiết, ngay cả đối với y bác sĩ (Ảnh: Reuters)
Một vài bệnh viện cho phép bác sĩ đeo khẩu trang bên ngoài phòng điều trị, một số nơi còn bắt buộc. Nhưng cũng bệnh viện cho rằng hành động đó là không cần thiết. Được biết, tất cả cơ quan y tế Mỹ đều phải tham khảo hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC). Nhưng CDC đã thay đổi quy chuẩn khá nhiều lần. Đến hiện tại, họ cho rằng nhân viên y tế không cần đeo khẩu trang trong mọi thời điểm.
Vào ngày 31/3, bác sĩ Anthony S. Fauci - thành viên chủ chốt trong ban ứng phó dịch Covid-19 của chính quyền liên bang Mỹ - cho biết rằng CDC đang cân nhắc thay đổi các hướng dẫn về việc đeo khẩu trang.
Giữa lúc đó, hàng loạt y bác sĩ Mỹ vẫn hoang mang, tức giận và sợ hãi. Họ quyết định làm theo những gì mình cho là đúng. Không ít các bác sĩ tin rằng ban quản trị đang cố gắng bảo vệ hình ảnh của bệnh viện, không muốn cơ sở của mình gắn liền với dịch Covid-19.
Trung tâm Đại học Y ở El Paso từng cấm bác sĩ mang khẩu dịch công chứng trang ra khỏi phòng điều trị (Ảnh: NY Times)
Vì bác sĩ Henry Nikicicz khăng khăng đòi đeo khẩu trang, ông đã được sếp nhắn tin rằng: "Anh đang đeo khẩu trang trong sảnh bệnh viện đấy à? Ở đó không có nhiều virus Vũ Hán hơn siêu thị Walmart đâu! Có lẽ còn ít hơn".
Đến giữa trưa ngày 30/3, bệnh viện xác nhận "bác sĩ Nikicicz không còn được xếp vào các ca trực vì không chấp hành quy định". Nhưng chiều hôm đó, ban quản lý đã thay đổi quyết định và cho vị bác sĩ tiếp tục đeo khẩu trang y tế trong khuôn viên bệnh viện, nhưng chỉ đeo khẩu trang N95 trong phòng điều trị.
Bác sĩ Mỹ đấu tranh để được mang khẩu trang: Đằng sau đó là sự căng thẳng âm ỉ trong hệ thống y tế
Những trường hợp tương tự như câu chuyện của bác sĩ gây mê Henry Nikicicz đang xảy ra khắp nước Mỹ. Chẳng hạn như bác sĩ cấp cứu Ming Lin cho biết ông đã bị sa thải khỏi Trung tâm Y tế PeaceHealth St. Joseph (bang Washington). Lí do vì vị bác sĩ công khai nói rằng bệnh viện thiếu biện pháp bảo vệ và thiếu khả năng xét nghiệm.
Bệnh viện ở Washington đã từ chối nói về việc sa thải bác sĩ Ming Lin, sau khi ông khẳng định nơi làm việc thiếu thiết bị bảo hộ (Ảnh: Seattle Times)
Trong khi đó, Trung tâm Y tế Thụy Điển chi nhánh Cherry Hill (thành phố Seattle) đã cảnh cáo bác sĩ gây mê Oliver Small vì mang khẩu trang trong hành lang.
Vợ của bác sĩ Small viết trên Facebook:
"Anh ấy bị ban lãnh đạo khiển trách, họ không muốn các nhân viên trở nên hoảng sợ và mang khẩu trang để bảo vệ bản thân. Oliver đeo khẩu trang nhằm đề phòng mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng và sẽ lây virus cho nhiều bệnh nhân khác".
Theo người vợ tiết lộ, bác sĩ Oliver đã buộc phải lựa chọn giữa "tháo khẩu trang hay là nghỉ việc". Cô bày tỏ sự tức giận và khó hiểu: "Chuyện gì đang xảy ra với hệ thống y tế của chúng ta?!".
Sau đó, bác sĩ Oliver chia sẻ bệnh viện đã thay đổi quyết định, cho phép các nhân viên y tế mang khẩu trang trong suốt thời gian làm việc. Bệnh viện ở Cherry Hill cho biết họ sẽ không bình luận về trường hợp bác sĩ Oliver, tuy nhiên việc thay đổi chính sách là do "có thêm các thông tin về dịch bệnh".
Tranh cãi về việc đeo khẩu trang chỉ là phần nổi của tảng băng, điều mà mọi người chưa nhìn thấy rõ là sự căng thẳng trong hệ thống y tế Mỹ (Ảnh minh họa: Reuters)
Sự hoang mang và căng thẳng của các y bác sĩ Mỹ có thể đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Trong suốt nhiều năm gần đây, các bác sĩ cảm thấy như họ đang làm việc trong một tập đoàn cố gắng cắt giảm mọi chi phí. Đó là nơi đặt lợi nhuận lên trên mục đích y học, khiến những người hành nghề y cảm thấy tức giận âm ỉ và cuối cùng không giữ nổi bình tĩnh khi dịch bệnh bùng phát.
Bác sĩ Christopher Garofalo - người từng đại diện cho bang Massachusetts trong Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ - cho biết: "Trong vài thập kỷ gần đây, (các bác sĩ Mỹ) đánh mất quyền tự chủ và cảm thấy không còn được xem trọng".
Hiện tại, hơn phân nửa bác sĩ Mỹ vẫn đang làm việc cho các hệ thống bệnh viện hay tập đoàn lớn, ở đó họ có ít quyền tự chủ nhưng lắm nỗi hoang mang. Dịch Covid-19 "đã khiến những căng thẳng ấy phun trào ra" - theo bác sĩ Garofalo chia sẻ.
(Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét